- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Công nhận loại hình ngoài nước, nhân đạo, phi vụ lợi: Điểm son trong Dự thảo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi)

Đây là ý kiến chủ đạo trong bài tham luận của TS Trần Tuấn  trình bày  tại tọa đàm khoa học dự thảo luật khám bệnh , chữa bệnh (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu Lập Pháp và Ủy Ban Xã hội của Quốc hội tổ chức chiều ngày 12/8/2022.

Thực sự đấy là “điểm son”! Bởi cách đây 15 năm, trung tâm RTCCD  đã thực hiện phản biện luật khám bệnh, chữa bệnh cho mục tiêu có đủ 3 chủ thể: Y tế công, Y tế Tư , và Y tế (ngoài nhà nước) nhân đạo, phi vụ lợi, cùng cạnh tranh công bằng trong thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam!

Nhưng Luật được Quốc hội thông qua và đi vào hiệu lực năm 2009 chỉ cho phép hai loại hình: Y tế Công lập và Y tế Tư nhân (vì lợi nhuận)!

Phòng khám Cây Thông Xanh “khám, tư vấn, chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ” phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu phản biện vận động chính sách y tế của trung tâm RTCCD năm 2013 đã không thể nào đăng ký thuộc nhóm “nhân đạo,phi lợi nhuận” vì… hành lang pháp lý không có loại hình này!

Theo TS Trần Tuấn, chừng nào chưa có được cơ sở pháp lý công nhận sự cho sự tồn tại của chủ thể nhận đạo phi vụ lợi, chừng đó, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam còn bị lệch lạc, không có được “thế chân kiềng 3 chủ thể” khắc chế mặt trái của kinh tế thị trường trong khám bệnh chữa bệnh nói riêng và chăm sóc y tế nói chung.

Nhiều năm qua, chuyên gia của RTCCD đã tận dụng mọi cơ hội vận động, viết bài, cả trên truyền thông chính thống và mạng xã hội (TLTK 2,3,4,5, 6,7), nhưng cho tới phiên bản 3 (ngày 02/04/2022) của  luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), loại hình “ngoài nhà nước, nhân đạo, phi vụ lợi ” vẫn … chịu cảnh “ngoài vùng phủ sóng”.

Tại hội thảo khoa học do viện Nghiên cứu Lập Pháp của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội tổ chức ngày 06/04/2022, giám đốc trung tâm RTCCD một lần nữa lại vận động., bằng bài viết “5 điểm cần điều chỉnh” để luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đóng góp giải quyết tốt những thách thức đã và đang đặt ra với hệ thống y tế Việt nam (tài liệu tham khảo 8)!

Và nội dung phiên bản 04 ra ngày 25/07/2022 đã thể hiện sự mong đợi: Trong số 5 kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi RTCCD đưa ra, đề xuất điều chỉnh số 2 “công nhận cho sự tồn tại loại hình khám bệnh, chữa bệnh ngoài nhà nước, phi vụ lợi” đã được đưa vào, thể hiện ở một loạt điều mục thuộc 3 chương 1, 8 và 10. Lưu ý, buổi tọa đàm khoa học dự thảo 4 do Viện Nghiên cứu Lập Pháp phối hợp cùng Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức chiều qua 12/8/2022, có sự tham dự của Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan…( đọc tin báo tại đây [1])

Ý nghĩa của sự đổi mới là vô cùng to lớn! Giúp tạo ra cơ hội giải quyết căn bản bài toán tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, cùng hàng loạt lợi ích khác tạo nên một thị trường cạnh tranh công bằng cho mục tiêu khoa học và chất lượng khám bệnh chữa bệnh vì lợi ích toàn dân mà TS Trần Tuấn đã thể hiện tóm tắt trong bài tham luận 12/8/2022 (Tài liệu tham khảo 1).

Biết rằng còn rất nhiều việc phải làm, còn phải tiếp tục kiên trì vận động cả về học thuật và truyền thông đại chúng để hy vọng của chúng ta trở thành sự thật: Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua thực sự tạo hành lang pháp lý công nhận chủ thể y tế ngoài nhà nước, nhân đạo, phi vụ lợi đứng song hành cùng y tế công lập và y tế tư nhân trong thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam!

Xin chia vui thành công khiêm tốn ban đầu cùng tất cả, và trân trọng giới thiệu bài tham luận chiều qua trình bày tại tọa đàm với bạn đọc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Tuấn (12/08/2022). Nguồn lực đầu tư cho khám bệnh, chữa bệnh & xã hội hóa, hợp tác công-tư trong vận hành hệ thống y tế: Thực trạng và kiến nghị sửa đổi, bổ xung dự thảo luật KB-CB (sửa đổi) phiên bản 04 (25/07/2022). Tài liệu tọa đàm “Tham vấn ý kiến chuyên gia về dự thảo luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)”, Viện Nghiên cứu Lập pháp & Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Hà Nội, 12.08.2022. Xin xem tại đây [2]
  2. Trần Tuấn (15/03/2022): Phản biện và góp ý dự luật khám bệnh, chữa bệnh: “bàn tay 5 ngón” cho một luật tốt! (truy cập tại đây [3])
  3. Trần Tuấn (27/2/2022). 3 tử huyệt của hệ thống y tế Việt nam & nguy cơ “tự đánh mất mình” (truy cập tại đây [4])
  4. Trần Tuấn (21/12/2018). Tư nhân hóa, thương mại hóa y tế công, gây đau đớn cho toàn xã hội. (Truy cập tại đây [5])
  5. Trần Tuấn (28/12/2018). Đừng thương mại hóa y tế công. (Truy cập tại đây [6])
  6. Phương Thúy- Nguyễn Tuấn phỏng vấn BS.TS. Trần Tuấn (02/07/2018)- Trao quyền tự chủ hoàn toàn cho 4 “siêu bệnh viện” để xóa bỏ tình trạng “oẳn tà roằn”.  (Truy cập tại đây [7])
  7. Trần Tuấn (2007). Nghèo đi vì chữa bệnh. Hồ sơ sự kiện, chuyên san của Tạp chí Cộng Sản, số chuyên đề về nghèo đói, mục “bên lề sự kiện”, số 9, ngày 10/4/2007.
  8. Trần Tuấn (5/4/2022). Năm điểm cần điều chỉnh của dự thảo luật KB-CB phiên bản 03 (02/04/2022) để đóng góp giải quyết tốt những thách thức hệ thống chăm sóc y tế hiện tại và trong thập kỷ tới (truy cập tại đây [8])