- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Chúng tôi đang lắng nghe ý kiến của trẻ em

Tiếp nối thành công của buổi tọa đàm tham vấn ý kiến trẻ em được tổ chức vào tháng 12/2014, vào ngày hôm nay 12/4/2015, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) phối hợp cùng với Hội Đồng đội Trung Ương, Hội Đồng đội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm Góp ý kiến bổ sung dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em tại Hội trường Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự tọa đàm, có sự góp mặt của đại diện lãnh đạo Hội Đồng đội Trung Ương, Hội đồng đội TP. Hồ Chí Minh, Đại diện của Sở Lao động – Thương Binh – Xã hội, cán bộ Đoàn Đội các quận, Giáo viên phụ trách và đặc biệt là sự tham gia của hơn 50 em học sinh tiêu biểu đến từ các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố HCM.

WP_20150412_08_10_59_Pro [1]

Tọa đàm tham vấn ý kiến trẻ em sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em

Chị Nguyễn Thanh Xuân – Chủ tịch Hội đồng đội TP.HCM “Tọa đàm này là không chỉ là cơ hội dành cho trẻ em được đóng góp ý kiến mà còn dành cho các cán bộ đoàn được tham gia góp ý Luật Bảo vệ Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em. Hy vọng rằng sau tọa đàm này, các ý kiến sẽ được chuyển tới các cơ quan chức năng, Luật mới sau khi sửa đổi sẽ cụ thể hơn, thực sự trở thành kim chỉ nam cho các hoạt chăm sóc và bảo vệ quyền lợi cho trẻ em.”

BS. Nguyễn Trọng An, PGĐ Trung tâm RTCCD, chuyên gia của EBHPD cho rằng: “Trong công ước quốc tế Quyền Trẻ em và Luật BVCSGD Trẻ em hiện nay của Việt Nam đều có điều khoản trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến của mình. Trước đây chúng ta đã có nhiều tọa đàm lắng nghe ý kiến của trẻ em, tuy nhiên thường mang tích hình thức, trong số đó có nhiều ý kiến do người lớn viết sẵn, áp đặt, không phải là ý kiến của các em. Tọa đàm lần này chúng tôi tổ chức với mục đích lắng nghe ý kiến của các em góp ý cho Bộ Luật bảo vệ quyền lợi của chính mình, chúng ta sẽ có một diễn đàn thực sự thoải mái, đối thoại bình đẳng giữa các em, với các anh chị lãnh đạo Hội đồng đội TƯ và Thành phố, và với chúng tôi. Nhằm nói lên tiếng nói của mình gửi tới Ban soạn thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em.”

Khi được tự do bày tỏ về các vấn đề mà các em thấy vướng mắc trong cuộc sống liên quan đến quyền của mình, các em đã có những ý kiến rất sát đáng mà đến người lớn cũng phải bất ngờ. Ý kiến của các em xoay quanh rất nhiều chủ đề từ tăng cường trách nhiệm giáo dục trẻ em của gia đình, giảm áp lực học tập, đến đảm bảo quyền vui chơi giải trí, quyền riêng tư của trẻ em và kể cả quyền bình đẳng giữa mọi trẻ em…cần được bổ sung vào Dự thảo Luật lần này.

Em Trúc Vy, chi đội Đồng Khởi có ý kiến: “Phụ huynh tập trung vào công việc, các bạn không được cha mẹ quan tâm dễ bị kẻ xấu lợi dụng, rủ rê tham gia vào các tệ nạn xã hội. Cha mẹ cần quan tậm nhiều hơn đến con cái, vật chất là quan trọng nhưng chăm sóc tinh thần cho con cái cũng rất cần thiết. Em mong muốn luật mưới sẽ có quy định để cha mẹ quan tâm đến con cái nhiều hơn.”

Một em học sinh kiến nghị rằng “Các trường học hay tổ chức tham quan, tổ chức chỗ chơi cho học sinh, tuy nhiên đều cần phải có tiền để tham gia. Nhiều bạn gia đình hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện. Vì thế, em rất mong nhà nước và đoàn đội có thể hỗ trợ và giúp đỡ các bạn để các bạn có cơ hộ được tham gia cùng với những bạn khác.”

Bàn về các đề xuất của EBHPD/RTCCD đưa ra về quy định nâng tuổi của trẻ em, về chăm sóc cho sự phát triển toàn diện trong 1000 ngày đầu đời và quy chế giám sát độc lập, ban tổ chức đã chia các em thành nhiều nhóm khác nhau để các em cơ hội được thảo luận, chia sẻ thông tin và quan điểm với nhau về các vấn đề được thảo luận.

WP_20150412_11_06_39_Pro [2] WP_20150412_11_04_56_Pro [3]

WP_20150412_10_56_24_Pro [4] WP_20150412_09_31_16_Pro [5]

Kết quả cũng rất bất ngờ, khác với những gì người lớn hay lầm tưởng về trẻ em rằng các em đang tuổi vui chơi, không biết gì về các vấn đề xã hội. Sự hiểu biết của các em về các vấn đề nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, vấn đề y tế, vác-xin, khám chữa bệnh, bảo hiểm, bạo hành gia đình… được các em phân tích, đề xuất kiến nghị thực sự không thua kém người lớn.

Nhóm các em học sinh từ Quận 1 – Quận Tân Phú – Quận Tân Bình cho rằng: “Việc nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi là cần thiết do độ tuổi từ 16 – 18 tuổi vẫn chưa đủ trưởng thành, còn bồng bột và vẫn rất cần được nhận các ưu tiên và chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Tuy nhiên cũng cần xem xét về các khung hình phạt trong trường hợp vi phạm pháp luật theo từng độ tuổi để ngăn ngừa những hành vi xấu, có ảnh hưởng không tốt đến xã hội. Hầu hết các em đều cho rằng, việc bổ sung điều khoản chăm sóc cho sự phát triển toàn diện trong giai đoạn 1000 ngày đầu đời là cần thiết, cần có sự quan tâm kỹ lưỡng từ phía gia đình nhà trường và xã hội. Cần chăm sóc trẻ em từ khi còn đang trong bụng mẹ, nghiêm cấm các hành vi nạo phá thai, nhà trường cần thực hiện các chương trình giáo dục giới tính. Về giám sát độc lập, thực thi quyền trẻ em, để đảm bảo tính độc lập và giám sát cụ thể sự vi phạm quyền trẻ em cần chia theo nhiều cấp độ, phân rõ trách nhiệm từ địa phương, phường xã đến quận, huyện rồi tỉnh thành phố. Việc giám sát thực hiện quyền trẻ em cần có sự vào cuộc của nhiều ban ngành: UBND, cơ quan giáo dục, đoàn thể, sở LĐTBXH các cấp.”

WP_20150412_11_29_43_Pro [6]

Các em học sinh trình bày quan điểm của mình về các đề xuất của EBHPD/RTCCD

Các ý kiến mà các em đã đóng góp trong ngày hôm nay thực sự khiến những người lớn chúng ta phải suy nghĩ và đáp ứng.

Kết quả của buổi đối thoại ngày hôm nay sẽ được chuyển thành văn bản kiến nghị để gửi đến các cơ quan chức năng, cơ quan soạn thảo luật trong thời gian tới.

Tọa đàm được tổ chức với sự hỗ trợ của Liên minh Vận động Chính sách Y tế (EBHPD).