- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Chính quyền cấp xã thực hiện bảo hiểm y tế theo hộ gia đình

Thông cáo báo chí – “Chính quyền thôn, xã hoàn toàn đảm nhiệm tốt chức năng quản lý đối tượng BHYT và thực hiện phương thức bán bảo hiểm y tế hộ gia đình, tin học hóa công tác quản lý, giải quyết dứt điểm tinh trạng trùng thẻ, sai thẻ, chậm thẻ bảo hiểm y tế…” đây là những kết luận chính được TS. BS. Trần Tuấn, đại diện cho do trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) và Liên Minh Vận Động Phát triển Chính sách Y tế dựa trên Bằng chứng Khoa học (EBHPD) đưa ra trong hội thảo khoa học công bố kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 về “Mô hình chính quyền cấp xã quản lý đối tượng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình” tổ chức sáng nay (18/9/2014) tại Hà Nội.

Luật Bảo hiểm y tế 2014 quy định chính quyền xã có chức năng quản lý các đối tượng trên địa bàn về vấn đề bảo hiểm y tế (Điều 8) và đặt ra nhiệm vụ cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai phương thức bán bảo hiểm y tế theo hộ gia đình nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2020. Ngay sau khi Luật BHYT 2014 đi vào hiệu lực, BHXH VN đã phối hợp với BYT phát triển các biểu mẫu thu thập thông tin về hiện trạng có BHYT trong dân và triển khai bán BHYT theo hình thức hộ gia đình (HGĐ). Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, tạo điểm nóng dư luận, khiến hoạt động bán BHYT theo HGĐ phải tạm dừng.

Là cơ quan nghiên cứu độc lập chuyên sâu trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, tập hợp nhiều chuyên gia hàng đầu trong cả nước về tư vấn phản biện chính sách y tế và bảo hiểm y tế, Trung tâm Nghiên cứu đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) và Liên minh Vận động chính sách y tế (EBHPD) đã bắt tay vào thực hiện phân tích căn nguyên của những vấn đề tồn tại nhiều năm trong quản lý bảo hiểm y tế như trùng thẻ, sai thẻ, chậm thẻ, tỷ lệ bảo hiểm y tế tự nguyện đạt thấp… tìm phương án thực hiện bảo hiểm y tế hộ gia đình và giúp chính quyền cơ sở triển khai điều 8 của Luật Bảo hiểm Y tế 2014 một cách hiệu quả, thiết thực.

Các chuyên gia nhận thấy, để giải quyết tận gốc tình trạng trùng thẻ, chậm thẻ, sai thông tin trên thẻ trên phạm vi toàn hệ thống, và để triển khai phương thức bảo hiểm y tế hộ gia đình hiệu quả, phải khắc phục tình trạng bị động hiện nay trong quản lý bảo hiểm y tế của chính quyền xã, bắt đầu từ bước tổ chức hệ thông thông tin BHYT tích hợp với hệ thống thông tin thường xuyên thực hiện bởi chính quyền xã theo hướng đơn giản, tin học hóa và gắn liền với lợi ích của cả người dân và chính quyền cấp thôn xã.

Từ cơ sở của các phân tích này, RTCCD/EBHPD đã (1) phát triển mô hình “Chính quyền cấp xã quản lý đối tượng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình”, (2) xây dụng sổ cái quản lý thông tin cấp thôn, và (3) phát triển phầm mềm tổng hợp và truy xuất thông tin bảo hiểm y tế thực hiện bởi chính quyền xã, và đưa vào triển khai thí điểm tại xã Tân Dân (Sóc Sơn, Hà Nội) nhằm cung cấp bằng chứng cho BHXHVN và BYT triển khai văn bản pháp quy hướng dẫn thực thi Luật BHYT 2014.

Kêt quả thử nghiệm giai đoạn 1 (8/2014-8/2015) tập trung vào cấu phần 1 của mô hình về “chức năng quản lý đối tượng BHYT hộ gia đình của chính quyền xã”, các chuyên gia đánh giá độc lập đã nhận định rằng chính quyền thôn, xã hoàn toàn đảm nhiệm tốt chức năng quản lý đối tượng BHYT bằng việc phân công trách nhiệm minh bạch. Trong đó, chính quyền thôn thực hiện chức năng tạo lập và duy trì sổ cái tích hợp thông tin BHYT theo HGĐ với thông tin di biến động dân số và an sinh xã hội khác. Chính quyền thôn cũng là nơi thực thi hoạt động cập nhật thông tin và báo cáo thông tin đáp ứng yêu cầu tổng hợp của chính quyền xã. Chính quyền xã thực hiện tổng hợp thông tin toàn xã, truy xuất, báo cáo thông tin đáp ứng yêu cầu của BHXH và các ban ngành cấp trên, đồng thời thực hiện theo dõi, giám sát hoạt động thu thập thông tin của tuyến thôn. Toàn bộ hệ thống thông tin được tổ chức lại theo hướng tin học hóa phục vụ đơn giản hóa thủ tục hành chính và đáp ứng ngày càng thuận tiện cho cả người dân và cơ quan quản lý.

Kết quả đánh giá cho thấy, tại xã Tân Dân, sau khi mô hình mới này được đưa vào thí điểm, cán bộ LĐTBXH của xã có thể dễ dàng phát hiện đối tượng trùng lắp thẻ (1.9%) và các đối tượng không có thẻ BHYT (29.1%) trên địa bàn toàn xã. Đồng thời thông tin của từng hộ gia đình trên địa bàn xã đều có thể truy cập và cập nhật nhanh chóng qua tiến hành rà soát định kỳ. Bên cạnh đó, chính quyền xã có khả năng trích xuất thông tin báo cáo vào bất kỳ thời điểm nào, đáp ứng yêu cầu quản lý của địa phương.

Mô hình mới này đã đưa lại phương án khả thi về thúc đẩy sự tham gia của chính quyền thôn, xã trong việc lập danh sách, quản lý và bán thẻ BHYT nhận được sự ủng hộ của người dân. Tin học hóa trong quản lý đối tượng BHYT, giảm thủ tục hành chính và thuận lợi trong việc thống kê, tổng hợp danh sách. Từ đó cho thấy chức năng do mô hình đề xuất hoàn toàn có thể tích hợp vào hệ thống quản lý công tác dân số, văn hóa và xã hội của địa phương.

Từ kết quả thử nghiệm mô hình, RTCCD và EBHPD sẽ tiếp tục bàn bạc cùng BHXH VN hợp tác đưa vào triển khai nghiên cứu giai đoạn tiếp theo của mô hình (10/2015-10/2016), thí điểm triển khai chức năng chính quyền xã bán BHYT theo HGĐ, và triển khai mô hình đầy đủ (2 chức năng) tại các khu vực kinh tế xã hội khác nhau.

Ông Lê Văn Phúc, Phó ban Chính sách y tế, BHXH VN cho rằng: “Phương pháp của mô hình có thể phát hiện những khó khăn, vướng mắc của người dân, đa số vướng mắc là do chưa nắm được quy định pháp luật của nhà nước. Mô hình này đã hỗ trợ cho UBND xã lập được danh sách tham gia BHYT trên địa bàn cho các đối tượng quy định tại Luật NHYT. Bên cạnh đấy, mô hình đã hỗ trợ rất nhiều cho các cán bộ thôn là nơi thu thập thông tin từ các hộ gia đình được thuận tiện, nhanh chóng và kịp thời.”

Kết quả từ mô hình sẽ được sử dụng để vận động các cơ quan hoạch định chính sách xây dựng các văn bản hướng dẫn trên toàn hệ thống dựa trên bằng chứng nghiên cứu, để thực hiện tốt 2 nội dung của Luật BHYT 2014: Chính quyền xã quản lý đối tượng BHYT Thực hiện BHYT HGĐ tiến đến bao phủ BHYT toàn dân.

Hội thảo diễn ra với sự tham dự của 60 đại biểu đến từ Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ LĐTB&XH, các tổ chức xã hội dân sự và đại diện từ địa phương tham gia triển khai thí điểm mô hình giai đoạn 1.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:

Chị Nguyễn Ngọc Mai, cán bộ dự án

Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD)

Email: mai.nguyen@rtccd.org.vn [1] | Tel: 091 748 8901 hoặc 04 3628 0350