- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Tập huấn Kỹ năng làm Cha mẹ Tích cực và Chăm sóc Hàn gắn cho Trẻ sau Sang chấn tại Đại học Sư phạm Hà Nội

Cũng trong khuôn khổ chuyến làm việc của ông Luke Talikowski Chuyên gia cố vấn CTXH tổ chức HealthRight quốc tế, Chuyên gia cao cấp về Bảo vệ trẻ em của bang Tây Úc với Trung tâm Đào tạo và Phát triển Nghề Công tác Xã hội – SWPDC, một khóa tập huấn công tác xã hội trong bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã được phối hợp tổ chức tại Khoa Công tác Xã hội, Đại học Sư phạm – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHSPHN) từ ngày 27 đến ngày 28 tháng 4 năm 2016. Đây là chương trình tập huấn chia sẻ kinh nghiệm gồm hai nội dung: Tập huấn cho giảng viên các khoa công tác xã hội các trường đại học về Kỹ năng làm cha mẹ tích cực và kỹ năng chăm sóc hàn gắn sang sang chấn cho trẻ; và Tập huấn cho sinh viên công tác xã hội ĐHSPHN về Phương pháp bảo vệ trẻ em dựa trên điểm mạnh và dấu hiệu an toàn.

Kỹ năng làm cha mẹ tích cực là một chủ đề không những hữu ích, mà rất lý thú, đặc biệt với các giảng viên đại học trên cả phương diện cá nhân và nghề nghiệp. Tuy có sự khác biệt trong những yếu tố văn hóa, truyền thống, quan điểm giữa Việt Nam và các nước phương Tây trong cách dạy dỗ con cái bằng kỷ luật, lớp tập huấn đã nhận được sự đồng thuận cao của các học viên về sự đổi mới tư duy trong cách kỷ luật con cái từ kỷ luật áp đặt và dùng roi vọt chuyển thành kỷ luật tích cực và hiệu quả. Người tham gia hiểu được định nghĩa về kỷ luật và so sánh với khái niệm trừng phạt, hiểu được thế nào là giới hạn phù hợp cha mẹ đặt ra cho con cái, các hình mẫu làm cha mẹ, và cách giải quyết hành vi sai của con. Qua chia sẻ của các thầy cô giáo, xã hội Việt Nam đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức nuôi dạy con cái, nhiều điểm khác biệt với thế hệ ngày trước, và trong thời đại tri thức, các bậc làm cha mẹ cũng hiểu hơn về tác động tiêu cực của kỷ luật đòn roi áp đặt hoặc trừng phạt cảm xúc lên trẻ.

Cùng chiều ngày 27 là nội dung mang tính riêng biệt hơn: chăm sóc hàn gắn cho những trẻ bị tổn thương bởi sang chấn do bạo lực, xâm hại. Đây là một nội dung các cán bộ công tác xã hội rất cần chú ý khi làm nghiệp vụ tham vấn gia đình, bao gồm tư vấn cho gia đình có con bị bạo lực ở ngoài gia đình hoặc bởi các thành viên khác trong họ hàng, và gia đình có nhu cầu nhận chăm sóc thay thế trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Sang chấn là một phạm trù phức tạp và đòi hỏi người làm công tác bảo vệ trẻ em phải trang bị nhiều kiến thức để nhận biết dấu hiệu trẻ bị sang chấn, cách thức tiếp cận hỗ trợ trẻ có lưu ý đến tổn thương, và tư vấn cho gia đình. Giảng viên trong quá trình trao đổi đã đưa nhiều ví dụ thực tiễn từ chính công việc hàng ngày liên quan đến bảo vệ trẻ em, cho thấy tác động của sang chấn có thể kéo dài và gây đổ vỡ tâm hồn, nhận thức của trẻ, nếu cha mẹ, cộng đồng, cán sự xã hội không kịp thời chú ý, có biện pháp can thiệp, và quan tâm theo dõi sự phục hồi của trẻ, trẻ lớn lên sẽ phải mang theo di chấn tâm trí suốt cả cuộc đời. Ngày tập huấn kết thúc với nhiều cảm nhận tích cực của học viên là các giảng viên.

Trong buổi sáng ngày 28, chuyên gia Luke Talikowski đã có một buổi giảng cho các sinh viên năm 3 khoa Công tác xã hội của ĐHSPHN về mô hình dấu hiệu an toàn trong bảo vệ trẻ em dựa trên điểm mạnh của gia đình. Đây là mô hình đã được áp dụng rất rộng rãi và hiệu quả ở Úc cũng như nhiều nước khác trên thế giới, nguyên lý căn bản của nó là cùng với gia đình tập trung tìm giải pháp cho các vấn đề khó khăn, cùng lên kế hoạch xây dựng các yếu tố an toàn cho trẻ. Cách tiếp cận Dấu hiệu an toàn tỏ ra thực sự hiệu quả trong những trường hợp gia đình có cha hoặc mẹ bị ảnh hưởng bởi nghiện chất, có yếu tố bạo lực, tuy nhiên người làm công tác xã hội phải hướng đến những điểm tích cực trong gia đình, khuyến khích chúng, trao quyền cho cha mẹ và trẻ. Các bạn học sinh ghi nhận bài giảng của ông Luke là một cơ hội quý giá, các bạn học được những kỹ năng cụ thể như lập kế hoạch, cách tham vấn thân thiện với trẻ, cách bố trí đánh giá tại nhà, cách ghi báo cáo… Nhiều bạn sinh viên coi đó là bước định hướng cho việc chọn nghề sau này, với mục tiêu áp dụng mô hình tiến bộ trong công tác bảo vệ trẻ em tại Việt Nam.

Tựu chung, 2 ngày làm việc của chuyên gia Luke Talikowski cùng nhóm cán bộ SWPDC tại ĐHSPHN đã thành công và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho giảng viên, sinh viên trường. Ông Luke chia sẻ rằng quá trình giảng dạy công tác xã hội cho giảng viên là để tạo ra hiệu ứng lan tỏa kiến thức, chính họ sẽ truyền kiến thức ấy và nhiệt huyết cho thế hệ trẻ để tăng cường năng lực nghề công tác xã hội hiện còn non trẻ tại Việt Nam.

Một số hình ảnh khóa tập huấn tại ĐHSPHN.

IMG_1682

IMG_1679