- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Tập huấn Bảo vệ trẻ em tại Sở Lao động-Thương binh & Xã hội tỉnh Bắc Ninh

Ngày 17 tháng 11 năm 2016, Trung tâm Đào tạo và Phát triển Nghề Công tác xã hội (Kết quả hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) và tổ chức HealthRight quốc tế) đã tổ chức lớp tập huấn cho Sở Lao động-Thương binh & Xã hội tỉnh Bắc Ninh về bảo vệ trẻ em. Lớp tập huấn nằm trong chuỗi hoạt động trọng tâm và thường xuyên của RTCCD nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ địa phương trong công tác cộng đồng phòng chống xâm hại trẻ em và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Học viên đến với lớp tập huấn là hơn 60 nhân viên, tình nguyện viên đến từ Trung tâm Nuôi dưỡng người có công bảo trợ xã hội, Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật huyện Thuận Thành, Trung tâm Dưỡng lão và Phát triển tài năng trẻ Phật tích, Nhà tình thương Hương La, và Câu lạc bộ Vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh. Giảng viên từ Trung tâm có BS. Nguyễn Trọng An, Chuyên gia cao cấp về Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Phó giám đốc Trung tâm RTCCD, và chị Nazik Nasser, chuyên viên công tác xã hội về bảo vệ trẻ em và phụ nữ bị bạo lực.

Lớp tập huấn tập trung vào hai chủ đề lớn. Trong buổi sáng, BS. Nguyễn Trọng An đã trình bày tới học viên về Tổng quan về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đa số những nhóm trẻ em này sống trong các Trung tâm bảo trợ xã hội, các nhà tình thương, và các trại trẻ mồ côi tự phát. BS. Nguyễn Trọng An nêu bật lên những vấn đề về rối nhiễu phát triển trong tâm sinh lý của trẻ khi lớn lên ở môi trường “tập trung” như vậy và nhấn mạnh về yếu tố rối nhiễu tâm trí, điều này gây trở ngại bao trùm cho trẻ trong quá trình hòa nhập xã hội. Trên cơ sở này, mô hình chăm sóc thay thế, mà hiện nay đã được đưa vào luật, sẽ góp phần khắc phục những bất cập của việc đưa trẻ vào trung tâm. BS. Nguyễn Trọng An giới thiệu tới học viên bản chất khái niệm của chăm sóc thay thế, và gợi mở định hướng hợp tác giữa RTCCD và Phòng Trẻ em của Sở để phát triển mô hình này.

14993288_878703535593679_3882464971028900109_n [1]

Thời gian buổi chiều được dành cho phần thực hành và trao đổi chuyên sâu hơn về việc nhận biết sớm trẻ em bị xâm hại, và các dịch vụ hỗ trợ. Giảng viên Nazik Nasser, cùng thạc sỹ Nguyễn Thị Vân Mai trợ giảng đã làm rõ hơn về cơ chế gây ảnh hưởng tới trẻ qua hành vi, lời lẽ mang tính xâm hại, bạo lực, và tình dục của người lớn. Các hình thức xâm hại đều tác động tới sự phát triển của trẻ qua dấu hiệu về cả thể chất, hành vi, và cảm xúc. Học viên được tìm hiểu kỹ về những dấu hiệu trên. Các hoạt động bổ trợ cũng giúp học viên có kiến thức sâu hơn về thế nào là hỗ trợ cho một trẻ em đã bị xâm hại.

15037324_878703725593660_4501271829739879230_n [2]

Tựu chung sau một ngày tập huốn, phản ánh của học viên và Ban tổ chức lớp rất tích cực. Những người chăm sóc trẻ em khuyết tật tại trung tâm bảo trợ và nhà tình thương đều ghi nhận sự hữu ích của các bài học. Ngoài ra, những người đã là cha là mẹ cũng có thêm cho mình hiểu biết quan trọng về chăm sóc cho sự phát triển toàn diện của trẻ.