- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Hội thảo Khởi động Nghiên cứu: Nâng cao Hiệu quả Quản trị Hệ thống Tiêm chủng cho Trẻ em từ 0- 23 tháng tuổi tại Việt Nam

Sáng ngày 27/4, tại Hà nội, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), Liên minh vận động phát triển chính sách y tế dựa vào bằng chứng khoa học (EBHPD), phối hợp cùng Sở Y tế & Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Hà nam tổ chức Hội thảo triển khai nghiên cứu có tên “Nâng cao hiệu quả quản trị hệ thống tiêm chủng cho trẻ em từ 0-23 tháng tại Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 70 đại biểu đến từ các cơ quan của Cục Y tế Dự phòng, Vụ Kế hoạch Tài chín- Bộ Y tế , Cục chăm sóc và bảo vệ trẻ em- Bộ LĐTBXH, Sở Y tế Hà Nội, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, các cơ quan địa phương triển khai nghiên cứu như Sở KHCN Hà Nam , Sở Y tế Hà Nam , Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hà Nam,các tổ chức quốc tế WHO, PATH, Plan International, các trường đại học y tế như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y tế công cộng, ĐH Thăng Long, ĐH Y Dược Hải Phòng, các tổ chức xã hội và hơn 40 nhà báo, phóng viên.

Đáp ứng lời kêu gọi của WHO-UNICEF-GAVI, và căn cứ vào tình hình thực tế công tác tiêm chủng của đất nước, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng (RTCCD) phối hợp với Sở Y tế & Sở khoa học-Công nghệ tỉnh Hà nam, phát triển đề xuất dự án nghiên cứu nhắm vào hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản trị hệ thống tiêm chủng cho trẻ em 0-23 tháng tuổi ở Việt nam. Qua 3 vòng tuyển chọn, vượt qua hơn 70 các đề xuất khác , đề xuất nghiên cứu của Việt nam đã vào chung kết 6 dự án xuất sắc được nhận tài trợ nghiên cứu triển khai trong năm 2016. Nghiên cứu này sẽ giải quyết các câu hỏi về an toàn vắc xin, chi phí vắc xin tại Việt Nam hiện nay thông qua xem xét lại hệ thống vắc xin trong bối cảnh toàn cầu hóa khi chúng ta chấp nhận sự tồn tại song song hai hệ thốngtiêm chủng: Tiêm chủng miễn phí (Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia- TCMR) và tiêm chủng dịch vụ trả phí.

Sau hơn 10 năm triển khai, chương trình TCMR đã góp phần bảo vệ trẻ hiệu quả khỏi nhiều bệnh truyền nhiễm.Tuy nhiên hệ thống này còn tồn tại nhiều vấn đề, trong khi sự xuất hiện của mô hình tiêm chủng dịch vụ đặt ra nhiều thách thức mới. Tình trạng sụt giảm lòng tin của người dân với chương trình miễn phí và thiếu hụt vắc xin đối với tiêm chủng dịch vụ dẫn đến nhiều người có xu hướng bỏ tiêm, làm tỉ lệ bao phủ vắc xin giảm. Do đó cần có một cơ chế giám sát độc lập để đưa ra được đánh giá khách quan, khoa học về những lỗ hổng trong hệ thống tiêm chủng tại Việt Nam hiện nay, đồng thời phân tích đưa ra được những khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả của hệ thống.

 

IMG_3962

TS. BS. Trần Tuấn – Giám đốc RTCCD

Trong bài phát biểu khai mạc, TS. Trần Tuấn đã nêu ra những thách thức mà hệ thống tiêm chủng Việt Nam đang phải đối mặt gần đây: Sụt giảm lòng tin của người dân về chất lượng chương trình TCMR, dẫn đến tỉ lệ tiêm chủng giảm gây ra nhiều hệ quả đáng tiếc khi dịch bệnh bùng phát; Hệ thống tiêm chủng thu phí dường như không tích họp vào hệ thống quản lý tiêm chủng trẻ em của Bộ Y tế; Chi phí tiêm chủng tăng trong khi người sử dụng tiếp tục bỏ tiêm chủng miễn phí, chuyển sang các nhà cung cấp dịch vụ tiêm chủng theo yêu cầu; Đội ngũ tiêm chủng ở tuyến cơ sở dường như ưu tiên thực hiện cung cấp dịch vụ tiêm chủng thu phí hơn là thực hiện TCMR.

Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, báo cáo đánh giá, phân tích của các chuyên gia và nhận xét của người dân, các giả thiết đưa ra về nguyên nhân cho những thiếu hụt hệ thống trên là do: Thiếu minh bạch thông tin và hệ thống quản lý chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt thiếu đánh giá độc lập đối với các biến chứng nghiêm trọng xảy ra sau tiêm chủng; Thiếu thông tin giám sát theo dõi về tài chính tiêm chủng; Thiếu những chính sách và chiến lược hiệu quả để kiếm soát giá dịch vụ tiêm chủng; Phương thức vận hành và quản lý hệ thống cung cấp dịch vụ TCMR dường như khiên cưỡng.

Nghiên cứu đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ các cơ quan Bộ Y tế, các trường Đại học và Tổ chức Y tế thế giới.

IMG_3966

TS. Makiko Iijima- Cán bộ chuyên môn Chương trình tiêm chủng- Tổ chức Y tế Thế giới

TS. Makiko Iijima- Cán bộ chuyên môn chương trình tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới đã phát biểu thể hiện sự ủng hộ đối với nghiên cứu của RTCCD.  Tại Việt Nam có sự khác biệt giữa các vùng miền, chương trình TCMR đã đạt được nhiều thành công tại khu vực thành thị nhưng nó sẽ được triển khai như thế nào để phát huy hiệu quả ở những vùng miền xa xôi. WHO rất hiểu khó khăn này. TS. Makiko cho rằng chương trình nghiên cứu đã đưa ra các thông tin chính sách giúp mang đến cơ hội tiếp cận tiêm chủng đối với trẻ em. WHO cũng rất mong đợi sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành nhà nước cho nghiên cứu của RTCCD.

BS. Tran Song Hao

BS. Trần Song Hào- Chuyên gia tiêm chủng

Theo BS. Trần Song Hào-  Chuyên gia tiêm chủng cho rằng hệ thống tiêm chủng tại Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Không có khung pháp lý hoàn thiện về tiêm chủng, không có tư vấn đánh giá độc lập về tiêm chủng, chậm cập nhật lịch tiêm vắc xin do đó không theo kịp nhu cầu phát triển và còn nhiều lúng túng trong quản lý và điều hành. Bác sĩ cũng cho rằng cần thực hiện nghiên cứu để sửa lỗi hệ thống, phân tích hệ thống, đưa ra bằng chứng khoa học nhằm hoàn thiện chính sách tiêm chủng.

Các đại biểu tham gia đề xuất góp ý cho đề cương cũng như đặt ra các câu hỏi cho các chuyên gia và nghiên cứu viên chính. Những câu hỏi được đưa ra xoay quanh việc triển khai nghiên cứu và những vấn đề đang tồn tại trong hệ thống tiêm chủng cho trẻ 0- 23 tháng tuổi tại Việt Nam hiện nay:

IMG_3981

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh- Đại diện phòng vắc-xin, Cục Y tế Dự phòng

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh- Đại diện Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)  bày tỏ mong muốn được phối hợp với RTCCD để triển khai đến nghiên cứu này. Bà cũng cho biết Bộ Y tế đã có những thông tư cụ thể về quy trình tiêm chủng tuy nhiên do các cán bộ y tế địa phương chưa thực hiện đúng quy trình nên đã dẫn đến những tai nạn đáng tiếc trong thời gian vừa qua.

 

IMG_3978

BS. Nguyễn Trọng An- Nguyên Cục phó Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em- Bộ LĐTBXH- Phó GĐ RTCCD

BS. Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc RTCCD thì cho rằng:”Nghiên cứu này là một đánh giá độc lập, khách quan, không có sự hỗ trợ kinh phí từ phia Nhà nước nên khác với những đánh giá được thực hiện 5 năm/lần về quy trình tiêm chủng vắc xin của Cục Y tế Dự phòng; tránh được tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” vì Bộ Y tế là nơi đấu thầu, vận chuyển vắc xin, khám sàng lọc trước khi tiêm, thực hiện quy trình tiêm, khám tử thi khi có ca tử vong và công bố cho công luận về nguyên nhân tử vong. Điều này vô hình chung, dẫn đến thiếu khách quan và minh bạch trong hệ thống. Nghiên cứu này nhằm hỗ trợ Bộ Y tế trong việc nâng cao quản trị hệ thống tiêm chủng tại Việt Nam.

Trả lời thắc mắc của các đại biểu về việc Hà Nam chưa thể đại diện cho toàn hệ thống tiêm chủng tại Việt Nam mà Nghiên cứu cần triển khai ở nhiều địa phương khác nhau để đưa ra kết quả khách quan và phù hợp hơn. BS. An cho rằng đây là một nghiên cứu đánh giá hệ thống và ở Việt Nam có duy nhất một quy trình thôi vậy nên quy trình của Hà Nam sẽ giống ở các địa phương khác. Do vậy sẽ lấy Hà Nam là trường hợp điển hình cho toàn hệ thống. Bác sĩ cũng cho rằng đây sẽ là nghiên cứu mở đầu cho những nghiên cứu tiếp theo để có thể đưa ra các khuyến nghị nâng cao hệ thống, đảm bảo môi trường vắc xin an toàn để bảo vệ trẻ em Việt Nam.

Trong phần thảo luận, TS. Trần Tuấn nêu rõ: “Trên thế giới chấp nhận một tỉ lệ tử vong do phản ứng phụ. Tuy nhiên sau khi xảy ra tai biến phải dừng sử dụng loại vắc xin đó ngay và xem lại căn nguyên cho đúng chứ không phải vẫn tiếp tục đưa loại vắc xin đó ra thị trường sử dụng, trong khi còn có vắc-xin thay thế có tỉ lệ tử vong thấp hơn như Việt Nam hiện nay.

Dang thi Kim Hanh

Bà Đặng Thị Kim Hạnh- Trưởng khoa kiểm soát bệnh lây nhiễm- Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội

Bà Đặng Thị Kim Hạnh – Trưởng phòng kiểm soát dịch bệnh (Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội), bộ phận tham mưu cho chiến lược tiêm chủng trong địa bàn thành phố nêu quan điểm ủng hộ với nghiên cứu của RTCCD với tư cách người vận hành hệ thống: “Trước khi kết quả nghiên cứu đánh giá hệ thống được đưa ra, mong rằng giới truyền thông sẽ giúp Chính phủ, Bộ Y tế, các nhà khoa học định hướng người dân trong tình hình hiện nay, đừng làm cho họ mất lòng tin  hơn nữa. Chúng tôi rất mừng nghiên cứu này xuất hiện đúng lúc và kịp thời để giải tỏa những băn khoăn, lo lắng của người dân .

…Về mặt chuyên môn, Bộ Y tế đã có văn bản đầy đủ, có kiểm tra thừơng xuyên; tổ chức các khóa tập huấn quản lý thông tin tiêm chủng và dự kiến sẽ triển khai trên toàn quốc.  Thay mặt những người làm chuyên môn, tôi mong truyền thông nắm rõ về thực trạng hệ thống và đặt lợi ích người dân lên hàng đầu. Điều quan  trọng nhất là chúng ta cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân để người dân tự lựa chọn.”

RTCCD cùng các cơ quan thực hiện nghiên cứu mong rằng kết quả nghiên cứu sẽ được Bộ Y tế sử dụng để phát triển chiến lược lồng ghép dịch vụ tiêm chủng trẻ em dưới 24 tháng tuổi vào gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả vào năm 2018 và làm cơ sở đề xuất xây dựng Luật tiêm chủng hoặc Luật Y tế Dự phòng (bao gồm các nội dung về tiêm chủng).

Một số hình ảnh hội thảo:

GS. Nguyễn Bạch Ngọc- Trưởng khoa Y tế Công cộng - ĐH Thăng Long

GS. Nguyễn Bạch Ngọc- Trưởng khoa Y tế Công cộng – ĐH Thăng Long

IMG_3971

GS. Trần Hữu Bích – Phó hiệu trưởng trường ĐH Y tế Công cộng

IMG_3960

Các đại biểu tham dự Hội thảo

IMG_3964

Ông Văn Tất Phẩm- Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nam trình bày về thiết kế nghiên cứu

Ts. Makiko Lijima 2

Ts. Makiko Lijima đặt câu hỏi cho nghiên cứu viên chính