- RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - https://rtccd.org.vn -

Đánh giá Hệ thống Điểm kính Sốt rét tại Việt Nam

Điểm kính sốt rét (ĐKSR) là cụm từ chuyên môn chỉ bộ phận thực hiện chẩn đoán sàng lọc sốt rét nằm trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu phục vụ hai mục tiêu: Điều trị sớm bệnh nhân tại cộng đồng và giám sát tình hình lưu hành dịch. Một điểm kính hoạt động gồm tối thiểu một kính hiển vi chuyên dụng và nhân viên y tế được đào tạo chuyên về lấy máu, làm lam kính, soi tươi tìm ký sinh trùng sốt rét. Hệ thống ĐKSR được xây dựng cách đây 25 năm khi sốt rét là vấn đề y tế nghiêm trọng gây tử vong hàng đầu ở các vùng nông thôn, miền núi. Được sự hỗ trợ ngay từ đầu của tổ chức Y tế Thế giới và các chính phủ như Úc, Hội đồng Âu Châu.. hệ thống ĐKSR phát triển mạnh. Tính đến tháng 1 năm 2016, số điểm kính lên đến 3140 điểm rải khắp 7 vùng sinh thái của cả nước. Trong bối cảnh tình hình sốt rét đã giảm rõ rệt trong 10 năm trở lại đây, chương trình phòng chống sốt rét quốc gia đang từng bước tiến tới giai đoạn loại trừ sốt rét, bài toán hiệu quả của việc duy trì hệ thống ĐKSR hiện tại được đặt ra . Trung tâm RTCCD đã phối hợp cùng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương NIMPE thực hiện nghiên cứu “ Đánh giá Hệ thống Điểm kính Hiển vi Sốt rét” tại Việt Nam với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ tổ chức Y tế thế giới.

7 tỉnh đại diện cho 6 vùng sinh thái được chọn vào mẫu nghiên cứu gồm: Sơn La (Phía Bắc); Quảng Bình và Quảng Ngãi (Miền Trung); Gia Lai và Đắk Lắk (Tây Nguyên) và Bình Phước và Cà Mau (Miền Nam). Thông tin về sự vận hành hệ thống ĐKSR được thu thập qua 118 cuộc phỏng vấn trực tiếp các cán bộ đương nhiệm trên toàn hệ thống, gồm 60 cán bộ lập chính sách, quản lý chi đạo hệ thống  Trung ương  và tỉnh (Bộ Y tế, NIMPE,  Sở Y tế, Bệnh viện tỉnh, Trung tâm Phòng chống Sốt rét và trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, Bệnh viện tỉnh), và 100 cán bộ vận hành hệ thống ĐKSR tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu ( từ Trung tâm Y tế Huyện, bệnh viện huyện, đội VSPD huyện, trưởng trạm y tế và nhân viên chuyên trách điểm kính) tại 61 điểm kính thuộc 14 huyện, 40 Trạm Y tế xã. Kết quả cho thấy chất lượng vận hành hệ thống đi xuống rõ trong 5 năm qua, không phục vụ được chức năng chẩn đoán sớm và điều trị sớm tại cộng đồng. Hoạt động nổi bật chỉ còn là lấy lam kính theo chỉ tiêu phục vụ giám sát tình hình dịch tễ. 56,4% nhân viên kỹ thuật đặc trách điểm kính không đạt yêu cầu chuyên môn cơ bản theo tiêu chuẩn quốc gia và 6 điểm kính thực chất không còn hoạt động soi kính tìm ký sinh trùng sốt rét. Sụt giảm kinh phí (cả quốc gia và quốc tế) phân bổ theo ngành dọc cùng với sự xơ cứng hệ thống trong công tác quản lý là nguyên nhân chính khiến hệ thống không hoạt động hiệu quả, xa rời thực tế. Nhóm nghiên cứu kết luân không tiếp tục duy trì hệ thống điểm kính như hiện nay. Bài toán đổi mới cả về cấu trúc hệ thống và cấu trúc chức năng phải được tiến hành càng sớm càng tốt và phải được xem là kết quả cụ thể của chiến lược đổi mới tổ chức ngành y tế dự phòng, xây dựng trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh (CDC). Cụ thể, nhóm nghiên cứu đề xuất tách bạch hệ thống kiểm soát chất lượng xét nghiệm soi kính (quality assurance system) với chức năng giám sát dịch tễ sốt rét.  Đưa chức năng giám sát dịch tễ Sốt rét về trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC của tỉnh. Chức năng soi chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời  tại cộng đồng được tích hợp vào hệ thống xét nghiệm chăm sóc sức khỏe ban đầu đa năng do bệnh viện huyện/trung tâm y tế huyện quản lý. Bỏ hệ thống phân phối chỉ tiêu làm lam kính cho các tỉnh, huyện xã như hiện tại. Trung tâm CDC của tỉnh phải được vận hành theo nguyên lý một trung tâm nghiên cứu theo dõi, giám sát tình hình bệnh dịch trong tỉnh, bao gồm cả chức năng tổ chức giám sát điểm, điều tra cộng đồng, và tổ chức kiểm soát dịch đáp ứng nhu cầu thực tế.

Nghiên cứu được văn phòng tổ chức Y tế thế giới tại Hà nội đánh giá cao về chất lượng nghiên cứu đạt được. Đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, giữa NIMPE (thực hiện đánh giá kỹ thuật chất lượng soi lam kính) và RTCCD (phụ trách thu thập thông tin và phân tích hệ thống y tế trong mối quan hệ với các nguyên lý phát triển cộng đồng bền vững.

Một số hình ảnh của đoàn nghiên cứu tại 7 tỉnh

MMP_8 MMP_4

MMP_3             
MMP_1